Thị trường nhà giá rẻ Việt Nam: xôn xao thông tin 10 triệu căn hộ NƠXH 5 sao

Tại Toạ đàm “Đại cách mạng nhà ở xã hội giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) 5 sao cho 40 triệu người Việt Nam”, APEC Group gây xôn xao thị trường khi cho biết sẽ xây dựng 10 triệu căn NƠXH 5 sao cho 40 triệu người dân Việt Nam.

Tín hiệu mới của nhà giá rẻ 

Khoảng 10 năm trước, thị trường nhà giá rẻ, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM vẫn chứng kiến sự xuất hiện của những căn nhà giá rẻ có mức giá dao động từ 10-15 triệu đồng/m2. Theo thời gian, giá bán nhà giá rẻ ngày càng tăng. Năm năm trước, nhà giá rẻ  được định nghĩa trong báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường là phân khúc có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2. Nhưng 3 năm gần đây, phân khúc này đã tịnh tiến lên mức giá 25 triệu đồng/m2.

Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030, những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương sẽ xây dựng khoảng 1 triệu đơn vị nhà ở cho thu nhập thấp. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được 12,5 triệu m2 sàn NƠXH cho người thu nhập thấp tại đô thị. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, công tác phát triển nhà ở xã hội hiện chưa đạt được yêu cầu đề ra trong Chiến lược. Cụ thể, đến hết năm 2019, chỉ có 207 dự án NƠXH hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, tương đương hơn 4,3 triệu m2 sàn NƠXH (đạt khoảng 34,3%).


APEC Group gây xôn xao thị trường với quyết định làm 10 triệu căn NƠXH 5 sao

Trong bối cảnh khan hiếm trầm trọng đó, tín hiệu mới của nhà giá rẻ khiến thị trường xôn xao. Đó là việc tập đoàn APEC ra mắt Tổng công ty Đầu tư – Phát triển Nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam – Happy City (AHC) với quy mô vốn 10.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu phát triển 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người dân Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tập trung chính tại thành phố Hà Nội và TP.HCM.

Bài toán giải quyết NƠXH được APEC đề xuất chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025 sẽ hoàn thành 4 triệu căn hộ, 6 triệu căn còn lại sẽ hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2026 – 2030; tập trung giải quyết vấn đề nhà ở của các đối tượng an sinh xã hội chưa có cơ hội sở hữu nhà bao gồm người có công với cách mạng, các hộ gia đình có thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, công nhân viên chức nhà nước, công an, bộ đội, học sinh, sinh viên, người tái định cư và các đối tượng khác.

APEC dự kiến sẽ phát triển các loại căn hộ: Studio, căn 1PN+, căn 2PN+, căn 3PN để đáp ứng đa số các đối tượng, diện tích căn từ 25m2 đến 75m2, thiết kế công năng tối ưu, phù hợp với sinh hoạt của người dân Việt Nam.

Đáng chú ý, theo thông tin từ APEC, NƠXH sẽ được xây dựng với bộ tiêu chuẩn 5 sao cho NƠXH. Với việc xây NƠXH 5 sao, APEC muốn xóa bỏ định kiến chất lượng thấp, thiếu tiện nghi môi trường của các dự án NƠXH trước đây, tạo ra định nghĩa hoàn toàn mới rằng NƠXH cũng có thể đạt chuẩn cao cấp. Giá bán dự kiến tại Hà Nội và TP.HCM là 12-18triệu đồng/m2, các tỉnh thành khác 8-14 triệu đồng/m2.

Nhà giá rẻ đang đối mặt nhiều thách thức

Trước thông tin 10 triệu căn NOXH 5 sao của APEC sẽ được tung ra thị trường, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là một cách tiếp cận mới với thị trường nhà ở. Trước tiên thể hiện ở vấn đề tiện ích, ít tiền hơn nhưng vẫn được hưởng các tiện ích như những khu cao cấp mà chỉ có người có nhiều tiền mới mua được. Vấn đề cốt lõi ở đây là mong muốn giảm giá nhà cho người dân, làm sao để giá rẻ nhất những chất lượng vẫn đảm bảo tốt nhất. Bởi hiện tại, muốn có một nơi ở chất lượng, người dân Việt Nam đang phải trả từ 40 triệu đồng trở lên cho một mét vuông. Còn rẻ hơn thì không thể có chất lượng đó. Chúng ta phải nhìn nhận lại khái niệm về nhà ở xã hội. Không đồng nghĩa nhà ở xã hội với chất lượng kém, “của rẻ là của ôi”.


Theo các chuyên gia, NƠXH đang phải đối mặt nhiều thách thức

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chỉ ra các thách thức mà NƠXH đang phải đối mặt, đó là vốn, khâu quy hoạch, tạo quỹ đất sạch và mô hình khả thi. Trong đó, thách thức về vốn là một thách thức lớn. Ông Lực cho rằng việc phát hành trái phiếu xanh, huy động các nguồn vốn từ trong cộng đồng, xã hội để phát triển nhà ở xã hội là một hướng đi đúng đắn mà các doanh nghiệp có thể triển khai để gia tăng nguồn vốn. Đồng thời cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và sự đồng thuận của xã hội. Nhà nước tháo gỡ về quỹ đất, cơ chế chính sách và các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho biết, trong thời gian qua chúng ta tập trung phát triển nhà ở xã hội nhưng vốn sạch, nguồn vốn rẻ chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông Ánh cho rằng cần đa dạng hóa nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Vốn giá rẻ là tổng hợp tất cả các nguồn vốn nhưng hiện nay, câu chuyện quỹ tín thác vẫn chưa hoàn thiện.

“Trái phiếu xanh, tín dụng xanh là câu chuyện chúng ta cần phải tận dụng, không chỉ từ nguồn vốn trong nước mà nguồn vốn quốc tế. Chúng ta phải tiếp cận được nguồn vốn rẻ nhất thì mới có thể xây dựng được những căn hộ giá rẻ đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời, Nhà nước nên bỏ quy định chỉ cho phép chủ đầu tư nhà ở xã hội chỉ được hưởng biên lợi nhuận tối đa 10% trên tổng chi phí đầu tư”, ông Ánh nhận định.

Nói về quyết định xây 10 triệu căn NƠXH 5 sao, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Apec Group, Tổng Giám đốc CTCP IDJ Việt Nam cho biết, thời gian đại dịch  Covid-19, những người công nhân thu nhập thấp, những người nghèo trong xã hội với điều kiện không gian sống hạn chế là những người chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch. Thực tế này thôi thúc Apec thực hiện một cuộc đại cách mạng về nhà ở xã hội.

Cũng theo ông Huy, do các khu nhà ở xã hội cũ, người ta thường nghĩ cấp thấp, chất lượng kém, thẩm mỹ xấu, đồng thời mặc cảm tự ti nên tạo ra nguy cơ bất bình đẳng xã hội, tạo ra tệ nạn xã hội sau đó dần thành những khu nhà ổ chuột. Đây là nhu cầu rất lớn, nhu cầu có thực của xã hội. Do đó APEC mong muốn góp phần mạnh mẽ việc làm nhà ở xã hội dựa trên cơ sở nhu cầu thực, số lượng lớn.

Nguồn Batdongsan.com.vn